May 11, 2014

Ngân hàng_P1(P.Q.Hoàng USA)

Ở bài báo này tôi xin mạn phép phân tích lại từ chuyện cơ bản nhất về lãi suất vay ngân hàng và xin cố gắng trình bày cho đơn giản dễ hiểu nhất vì đây là đề tài cần thiết cho đa số công chúng kể cả người vay tiền hàng ngày cho sản xuất mà không cần phải am hiểu về lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng sẽ hiểu vì sao lãi suất vay ngân hàng tại Việt Nam lại luôn cao hơn so với lãi suất của các xứ lân bang khác. 

Và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mà đứng đầu là ông Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã cố gắng hết mức để hạ lãi suất thấp, nhưng cũng phải tuân thủ quy tắc thị trường "bơm và hút tiền", nên các doanh nghiệp vay tiền cũng phải cảm thông cho Ngân hàng Nhà nước là không thể áp đặt muốn các ngân hàng thương mại hạ lãi suất thấp hay tới 0.00% là được. Ngay cả Ngân hàng Trung ương Mỹ, là định chế ngân hàng lớn nhất thế giới cũng không thể hô lên một tiếng là tiền từ trên trời rơi xuống tha hồ mà cho dân Mỹ vay tiền rẻ là được đâu, mà cũng phải tuân thủ theo quy tắc "bơm hút" của thị trường. Nếu mà bơm nhiều quá thì phân lời trái phiếu của Mỹ mà "nhúc nhích" tăng lên cỡ 4% thôi là nền kinh tế Mỹ sụp đổ ngay chứ đùng nói là Việt Nam.

Đầu tiên tôi đặt câu hỏi ngược lại với nhà báo Minh Đức là lý do là ngân hàng lấy tiền đâu ra mà cho vay với lãi suất âm như vậy, nếu trước đó không nhận ký thác của các trương chủ với lãi suất cao hơn mặt bằng lạm phát? 

Ở đây "trương chủ" là người chủ của các trương mục ký thác, hay các tài khoản, và thực tế là một tầng lớp dân chúng ký thác tiền gửi mới là chủ nợ của ngân hàng, và những người đi vay là khách nợ của ngân hàng. Lý do với lãi suất thấp người có tiền tiết kiệm phải ký thác vào ngân hàng với lãi suất rất thấp không có lời, thực tế còn thấp hơn lạm phát, tức là lãi suất âm thì làm sao mà ngân hàng đó có lời nếu không muốn nói là phát hành trái phiếu rác "junk bond". để rồi lại chất lên một núi nợ xấu khó đòi và sẽ mất.

Từ nghiệp vụ các ngân hàng có thể giảm trừ rủi ro của việc nhận bạc tỷ từ cả hàng triệu trương chủ ký thác trong ngắn hạn mà cho một vài khách hàng vay bạc tỷ trong dài hạn bằng cách tách ra và phân tán thành nhiều khoản tín dụng nhỏ. Phân tán mức rủi ro ấy là nghiệp vụ kỹ thuật cơ bản của nghiệp vụ ngân hàng thì có lẽ nhà báo Minh Đức thừa biết. 

Về bối cảnh chung như vậy ta cũng thấy ra chức năng của ngân hàng là "chuyển hóa kích thước", từ một khoản ký thác lớn rồi phân tán ra thành từng khoản vay nhỏ, hoặc từ các khoản ký thác nhỏ nhặt với thời hạn dài ngắn khác nhau mà gom thành một số tiền cho vay lớn hơn. Suy đi tính lại chuyện gom lại hoặc rải ra để giảm thiểu rủi ro là bí quyết thành công của các ngân hàng để luôn luôn có sẵn thanh khoản là tiền mặt hầu khỏi thiếu tiền thanh toán nhưng không quá nhiều vì tiền đó và chẳng sinh lời bằng tiền cho vay.

Quay về bối cảnh các chức năng của ngân hàng, tôi xin nhấn mạnh lại nguyên tắc vận hành của ngân hàng nói chung. Ngân hàng có chức năng ta gọi là "trung gian chuyển hóa tài chính", nôm na là huy động tiền bạc dư dôi trong dân chúng chuyển thành tiền ký thác và dùng một phần tiền đó tài trợ các sinh hoạt kinh tế dưới hình thức tín dụng. Khi huy động vốn như vậy, ngân hàng trả tiền lời cho khách hàng có tiền ký thác tính theo lãi suất ký thác. Khi cấp phát bơm tín dụng thì ngân hàng thu tiền lời tính theo lãi suất tín dụng. Cho nên sai biệt giữa hai loại lãi suất tín dụng và ký thác là nền tảng của lợi nhuận của ngân hàng.

Nếu nhìn thực tế thì lượng tín dụng bơm ra cho thị trường có thể lên xuống, nhiều hay ít là qua hai yếu tố cơ bản. Yếu tố thứ nhất là tỷ lệ của số tiền cho vay ra căn cứ trên số sách ký thác đã thu vào vì ngân hàng không thể là cái máy in tiền để tài trợ tất cả số tiền đã huy động được mà bắt buộc phải giữ một phần làm làm dự trữ để đáp ứng yêu cầu rút tiền ký thác của các thân chủ. Yếu tố thứ hai là lãi suất, vốn dĩ có chức năng điều tiết lưu lượng tiền bạc thu vào hay bơm ra. Cụ thể như nếu muốn bơm tiền kích thích sinh hoạt kinh tế thì người ta có thể giảm lãi suất tín dụng.

Về kinh tế, khi cần quyết định về lượng tiền lưu hành nhiều hay ít, người ta có thể điều chỉnh mức dự trữ của ký thác, giả dụ như ngân hàng thu vào 100 đồng thì chỉ được cho vay ra cỡ 80 đồng thôi, và có thể khuyến khích việc gửi tiền vào ngân hàng nhờ lãi suất ký thác cao hơn, hoặc khuyến khích việc tiêu thụ và sản xuất nhờ lãi suất tín dụng thấp hơn. Những tính toán của nhà nước về điều tiết kinh tế như vậy chính là cơ sở cho các ngân hàng tính toán về kinh doanh.

Cho nên, ở đây tôi muốn nhấn mạnh là làm ngân hàng cũng phải quản lý sự rủi ro khi dùng tiền của người ký thác cho khách hàng vay, nếu khéo quản lý thì sẽ có lời, nếu không thì bị lỗ lã. Yếu tố cơ bản nhất mà cũng là quan trọng nhất đó là các khách hàng ký thác tiền gửi mà mất tín nhiệm nếu mà rút tiền ồ ạt hoặc không gửi thêm tiền mà ngân hàng lại không kịp đòi được nợ vì chuyện lấy ngắn nuôi dài như tôi đã trình bày ở trên là ngân hàng đó sụp đổ ngay tức khắc và nếu nhà nước không kịp can thiệp thì sẽ bị khủng hoảng tài chính. 

Về hồ sơ "nợ xấu" (non-performing loans), cần phân biệt "nợ công" (public debt) với khoản "nợ nước ngoài" (external debt). Ở đây tôi chỉ phân tích về nợ xấu do tài sản mất giá khiến dân chúng hay doanh nghiệp tằn tiện chi tiêu hay không dám vay tiền đầu tư. 

Đầu tiên tôi đặt câu hỏi ngược lại với nhà báo Minh Đức là: Nếu giả sử bạn nợ ngân hàng 100 tỷ bạc tiền Việt Nam và sắp đến kỳ trả nợ. Nếu bây giờ các ngân hàng có hạ lãi suất âm dưới lạm phát luôn thì bạn có dám liều lĩnh đi vay thêm để đầu tư sản xuất không, vì tin rằng bạn sẽ kinh doanh có lời và có khả năng trả cả vốn lẫn lời? Mặc dù tin tức truyền thông đại chúng bung ra là bây giờ kinh tế đã khả quan mọi người cứ vay tiền dù lãi suất hạ đến tột cùng bằng 0.00% thì bạn có dám vay tiền không? Câu trả lời của tôi là không?

Gặp trường hợp nợ xấu do tài sản mất giá thì đa số người ta phải tìm cách trả nợ. Nếu mà có làm lời trong sản xuất kinh doanh thì người ta cũng buộc phải tìm mọi cách để giảm nợ xuống dù lãi suất có hạ thì người ta cũng chả dám đi vay, khi người ta đã trả được nợ, tức là đã làm sạch giấy nợ rồi thì người ta mới nghĩ đến việc vay tiền đầu tư cho sản xuất. 

Sau cùng, tôi cũng xin nói đến một chi tiết kế toán khác mà các ngân hàng ít chú ý: Đó là mỗi khi khách hàng ký thác gửi tiền vào ngân hàng thì ngân hàng phải ghi vào sổ sách khoản tiền ký thác đó như một khoản nợ mà ngân hàng nhận thêm một khoản nợ của thân chủ ký thác. Cho nên các ngân hàng phải ý thức được rằng đó là khoản nợ mà ngân hàng sẽ phải thanh toán cho thân chủ ký thác tiền gửi chứ không là tiền miễn phí mà các ngân hàng muốn tài trợ hay tiêu xài thế nào cũng được! Đó là trường hợp một số ngân hàng tại Việt Nam ngạo mạn tung tin vịt là bung ra gói hỗ trợ 100.000 tỷ bạc VND, để hỗ trợ thị trường bất động sản khiến thị trường chứng khoán Việt Nam sụt dốc không phanh bởi sự nghi ngờ của thị trường và giới đầu tư..v..v...

No comments:

Post a Comment